Đếm ngược ngày thông xe cầu Vân Tiên vượt biển dài nhất Quảng Ninh

Đếm ngược ngày thông xe cầu Vân Tiên vượt biển dài nhất Quảng Ninh

Cầu Vân Tiên dài 1,5 km nối 2 huyện Vân Đồn và Tiên Yên (tỉnh Quảng Ninh) dự kiến sẽ thông xe đúng dịp nghỉ Lễ 30/4 – 1/5. Những ngày trung tuần tháng 4/2022, phóng viên báo Tin tức có mặt trên công trường dự án, ghi nhận toàn cảnh những hạng mục thi công cuối cùng của cầu vượt biển dài nhất tỉnh Quảng Ninh này trước ngày thông xe.

Cầu Vân Tiên là một trong 32 cầu được xây dựng trên tuyến cao tốc Vân Đồn – Móng Cái, nhưng là cầu vượt biển dài nhất tỉnh Quảng Ninh đến thời điểm này và có tổng mức đầu tư lớn nhất, với khoảng 800 tỷ đồng.

Cầu được hợp long từ tháng 12/2021. Hiện nay, Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Ninh đang huy động tối đa mọi nguồn lực, nhân lực, tăng tốc thi công những mục cuối cùng của cầu như: Hoàn thiện hệ thống chiếu sáng, thiết bị điện; sơn kẻ vẽ, lắp phản quang phân làn đường; gia cố những khe co giãn cuối cùng trên mặt đường cầu; vệ sinh, trang trí mố hai đầu cầu và lan can cầu…

Cầu Vân Tiên được thiết kế kết cấu vĩnh cửu bê tông cốt thép, bề rộng mặt cầu 25,25 m; đạt tiêu chuẩn đường cao tốc 4 làn xe ô tô và 2 làn dừng khẩn cấp, đảm bảo tốc độ tối đa 120 km/giờ kết nối đồng bộ với tuyến cao tốc Vân Đồn – Móng Cái dự kiến sẽ hoàn thành trong quý II/2022.

Cầu Vân Tiên dài hơn 1,5 km, nối hai huyện Vân Đồn và Tiên Yên (tỉnh Quảng Ninh).

Công trình được các chuyên gia đánh giá là có độ khó cao do điều kiện địa hình, địa chất khu vực phức tạp, dòng nước thủy triều chảy siết.

Các nhà thầu đang tập trung hoàn thiện các hạng mục còn lại như hệ thống điện chiếu sáng, thảm nhựa mặt cầu, hệ thống an toàn giao thông và cảnh quan…

Để đảm bảo tiến độ thông xe, những ngày này trên công trường dự án luôn duy trì hàng trăm cán bộ kỹ sư, tư vấn giám sát, công nhân, người lao động làm việc 3 ca liên tục.

Đơn vị thi công thảm lớp bê tông nhựa cuối cùng mặt đường dẫn lên cầu Vân Tiên.

Công nhân đang gia cố thêm khung thép dầm cầu.

Theo ông Vũ Văn Khánh, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Ninh, trong quá trình xây dựng cầu, công trình được các chuyên gia đánh giá là có độ khó cao do điều kiện địa hình, địa chất khu vực phức tạp, dòng nước thủy triều chảy siết, chênh lệch 3 – 5 m, dưới đáy là tầng đá, chiều sâu mức nước trên 17 m (tương đương cầu Bãi Cháy). Do đó, việc định vị khoan nhồi, neo hệ thống nổi để phục vụ thi công cầu mất nhiều thời gian.

Cầu Vân Tiên sau khi hoàn thành, kết nối với cao tốc Vân Đồn – Móng Cái sẽ đưa Quảng Ninh trở thành tỉnh có tuyến cao tốc dài nhất cả nước. Đây là công trình mang ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển, đổi mới, trưởng thành của công nghệ thi công cầu đường của tỉnh Quảng Ninh nói riêng và Việt Nam nói chung, vì có thời gian thi công hoàn thiện ngắn, khoảng 1 năm thay vì thời gian 3 năm như trước đây đối với công trình tương tự. Điều này khẳng định việc làm chủ công nghệ, nỗ lực vượt khó của chủ đầu tư, doanh nghiệp dự án, các nhà thầu thi công công trình này.

Lắp đặt hoàn thiện hệ thống biển báo giao thông, điện chiếu sáng…

Nhà thầu huy động nhân công tập trung hoàn thiện các hạng mục cuối cùng.

Công nhân, người lao động làm việc trên công trường 3 ca liên tục trong ngày để kịp tiến độ thông xe.

Dưới chiều hoàng hôn, đường dẫn nối cầu Vân Tiên với huyện Tiên Yên hiện lên hùng vĩ.

Nút giao thông nối cao tốc Vân Đồn – Móng Cái đi qua cầu Vân Tiên với Quốc lộ 4B đi Lạng Sơn đang dần hình thành.

Hệ thống đèn chiếu sáng trên cầu đã hoàn thành 90%.

Cầu Vân Tiên dài 1,5 km, được thiết kế dầm bê tông cốt thép dự ứng lực đúc hẫng cân bằng căng sau, là cầu vượt biển dài nhất tỉnh Quảng Ninh đến thời điểm này.

Cầu Vân Tiên hoàn thành cùng tuyến cao tốc Vân Đồn – Móng Cái sẽ rút ngắn thời gian từ Hà Nội đi Móng Cái xuống còn khoảng 3 giờ đồng hồ.

Cầu Vân Tiên hoàn thành cùng tuyến cao tốc Vân Đồn – Móng Cái sẽ rút ngắn thời gian từ Hà Nội đi Móng Cái xuống còn khoảng 3 giờ; kết nối với các khu kinh tế trọng điểm, tạo thuận lợi giao thông đường bộ từ hướng Lạng Sơn đi Móng Cái, Vân Đồn, Hạ Long, phát huy vai trò, vị trí sân bay Vân Đồn; kết nối cửa ngõ giao thương của Việt Nam, ASEAN với Trung Quốc; tạo động lực phát triển kinh tế xã hội và thu hút đầu tư trong, ngoài nước đến các địa phương cao tốc đi qua.

5/5 - (1 bình chọn)
Exit mobile version