Phê duyệt Đề án phát triển du lịch thành phố Móng Cái đến năm 2025, định hướng đến năm 2030

UBND TP Móng Cái vừa thông qua Quyết định số: 2255/QĐ – UBND về việc “Phê duyệt Đề án phát triển du lịch thành phố Móng Cái đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Anh chị có thể tải về file đính kèm tại đây: 2255-qd-ubnd-mong-cai.pdf

Phê duyệt Đề án phát triển du lịch thành phố Móng Cái đến năm 2025, định hướng đến năm 2030Điểm nhấn Móng Cái

Với mục tiêu tổng quát đó là: Xây dựng du lịch Móng Cái trở thành “Thành phố du lịch xanh, thông minh, thân thiện và an toàn”, một trong những trung tâm du lịch hiện đại của tỉnh; Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển bền vững, làm tiền đề thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển. Trong đó, trọng tâm là phát triển du lịch biên giới, du lịch biển, đảo, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch văn hóa, lịch sử, trải nghiệm, cộng đồng, du lịch MICE,…; ưu tiên thu hút các nhà đầu tư chiến lược, có tiềm lực, thương hiệu mạnh, đầu tư quy mô lớn, đồng bộ, hiện đại, phát triển du lịch; thúc đẩy liên kết vùng, liên kết ngành, đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, sản phẩm và chất lượng dịch vụ du lịch đa dạng, đặc sắc, có chất lượng cao, mang đẳng cấp khu vực và quốc tế.

Sa Vỹ và Hải đăng Vĩnh Thực: Một trong những điểm đến hấp dẫn du khách tại Móng Cái

Trong đó, xác định các chỉ tiêu: Đến năm 2025 phấn đấu tổng lượt khách đến Móng Cái đạt 4 triệu lượt/năm, thu ngân sách từ dịch vụ du lịch chiếm 15- 20% thu nội địa; lao động trực tiếp trên 4.000 người; Đến năm 2030 phấn đấu: Tổng lượt khách đến Móng Cái đạt trên 6 triệu lượt/năm; thu ngân sách từ dịch vụ du lịch chiếm 25-30% thu nội địa; lao động trực tiếp 6.000 người; Nguồn nhân lực tận dụng tối đa nguồn nhân lực địa phương, phấn đấu trên 90% nhân viên làm việc trong các cơ sở dịch vụ du lịch được đào tạo, bồi dưỡng nghề, trình độ ngoại ngữ, kiến thức về du lịch.

Xây dựng con người Móng Cái “Văn minh – Thân thiện – Mến khách”, cơ sở kinh doanh dịch vụ thực hiện đảm bảo phương châm 3T: “Thân thiện – Tiện lợi – Tin cậy”.

Thực hiện tăng cường nhận dạng thương hiệu du lịch của thành phố Móng Cái như về cơ sở hạ tầng, ưu tiên tập trung triển khai đầu tư và đưa vào khai thác hiệu quả một số dự án tạo sản phẩm du lịch: Cột cờ, Đền Lạc Long Quân, biểu tượng Mẹ Âu Cơ tại quảng trường Sa Vĩ; Thư viện, Bảo tàng, khu liên hợp thể thao Thành phố; Cầu kính; Cột đồng hồ; Khu du lịch nghỉ dưỡng Trà Cổ – Bình Ngọc, Khu du lịch phức hợp cao cấp Vĩnh Thực – Vĩnh Trung; đường ven biển Trà Cổ; cáp treo ra đảo Vĩnh Thực; biển tên khu du lịch quốc gia; cụm biểu tượng du lịch; Cột cờ và cải tạo, chỉnh trang núi Tổ Sơn; các dự án về phát triển kinh tế đêm (phố đi bộ, tuyến phố du lịch ven sông Ka Long…); hệ thống thoát nước mặt và nước thải phường Trà Cổ; mở rộng nâng cấp đường từ trung tâm thành phố đi Trà Cổ…; Chỉnh trang hệ thống ánh sáng, cây xanh, tiểu cảnh…tạo đô thị hiện đại, văn minh: Xây dựng đô thị các Phường (Trần Phú, Hòa Lạc, Ka Long, Hải Yên, Trà Cổ, Bình Ngọc…) để tạo cảnh quan đô thị hiện đại, văn minh; xây dựng các xã miền núi (Hải Sơn, Bắc Sơn) và hải đảo (Vĩnh Thực, Vĩnh Trung) ngập tràn sắc tím hoa Sim khi Hè sang.

Các địa phương Trà Cổ – Bình Ngọc duy trì trồng cây phi lao, quan tâm trồng cây hoa muống biển ở khu vực biển, hoa Sen tại biểu tượng du lịch ngã ba Trà Cổ – Bình Ngọc…; phấn đấu thu hút tối thiểu 05 cơ sở lưu trú đạt từ 3 sao trở lên; Sản phẩm vật thể tập trung bảo tồn, phát huy giá trị các di tích gắn với lập hồ sơ khoa học xếp hạng; phát huy hiệu quả hoạt động di tích Nhà lưu niệm Bác Hồ tại cửa khẩu QT Móng Cái; các cột mốc 1369, 1378, 1367, 1368, 1347…; Nâng tầm Hội chợ thương mại – du lịch biên giới Việt – Trung; xây dựng phiên chợ vùng cao biên giới Hải Sơn; Đối với sản phẩm phi vật thể: Tổ chức lễ hội hoa sim biên giới, lễ hội thả diều Trà Cổ, lễ hội festival áo dài, thời trang biển; hát đối trên sông biên giới Việt – Trung; hát nhà Tơ, hát Sóong Cọ, hát đối cổ; phát huy các lễ hội truyền thống (Đền Xã Tắc, Đình Trà Cổ, Đình Bình Ngọc, Đình Vạn Ninh, Đình Dân Tiến, Đình Bầu, Đền Thánh Mẫu,…); phát huy sản phẩm du lịch một ngày làm ngư dân; du lịch cộng đồng xã Hải Sơn; phát triển sản phẩm OCOP đáp ứng nhu cầu du khách; thu hút, phát triển các dịch vụ vui chơi giải trí gắn với biển, đảo (lướt ván, dù lượn…); đăng cai tổ chức các giải thể thao quy mô quốc gia, quốc tế (giải golf, tenniss, giải đua xe đạp, mô tô, diều biển…); Đảm bảo các điểm du lịch thành phố Móng Cái đạt tiêu chuẩn sạch, đẹp, văn minh, bảo tồn nguyên sơ các bãi tắm, rừng, núi… để thu hút khách du lịch khám phá, trải nghiệm; Các biện pháp phòng chống dịch bệnh, an ninh trật tự, an toàn thực phẩm, chất lượng hàng hóa đảm bảo theo các quy định hiện hành nhằm mục tiêu an toàn cho cư dân thành phố và du khách khi tham quan, du lịch tại địa bàn.

Đền Xã Tắc – điểm đến du lịch linh thiêng nơi địa đầu đất nước. Ảnh tư liệu

Đề án của TP Móng Cái cũng đề ra và khẳng định định hướng phát triển du lịch nội địa, đồng thời xây dựng lộ trình mở cửa du lịch quốc tế an toàn, có thỏa thuận mở cửa biên giới với Trung Quốc (khi có đủ điều kiện an toàn), nghiên cứu áp dụng các mô hình như “bong bóng du lịch”, “làn xanh du lịch”; nghiên cứu áp dụng chính sách an sinh xã hội theo hướng hỗ trợ tiền thuê nhà, đào tạo kỹ năng cho nhân viên ngành du lịch trong bối cảnh mới. Khuyến khích doanh nghiệp xây dựng và công bố các kế hoạch dự phòng, các cam kết, chính sách hỗ trợ, sử dụng lao động, chính sách, điều kiện làm việc an toàn, bảo đảm sức khỏe cho người lao động; Thực hiện phát triển du lịch theo hướng bền vững, đáp ứng được nhu cầu du khách; ưu tiên phát triển sản phẩm du lịch biển, đảo, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khoẻ và làm đẹp (Wellness Tourism), sản phẩm du lịch biên mậu…; tăng cường kêu gọi đầu tư từng bước hình thành hệ thống khu, điểm du lịch có sự liên kết theo chuỗi các sản phẩm liên ngành, liên kết vùng và quốc gia. Xây dựng thương hiệu du lịch Móng Cái 3T: “Thân thiện – Tiện lợi – Tin cậy” góp phần đưa thành phố Móng Cái trở thành trung tâm dịch vụ thương mại, du lịch, cảng biển trọng điểm của tỉnh Quảng Ninh.

Các dịch vụ lưu trú và nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển

Đồng thời, phát triển có trọng tâm, trọng điểm; hình thành rõ nét các loại hình du lịch bằng các dòng sản phẩm mạnh, các trọng điểm du lịch; tập trung phát triển du lịch đặc trưng mang thương hiệu của thành phố và hệ thống dịch vụ du lịch bổ trợ. Đa dạng hóa loại hình du lịch hướng tới khắc phục về tính thời vụ. Đẩy mạnh liên kết giữa các địa phương, điểm đến và các doanh nghiệp. Chú trọng cải thiện chất lượng dịch vụ và điều kiện phát triển du lịch mới.

Định hướng được thị trường khách mục tiêu; Nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch đặc thù; Khai trương sản phẩm du lịch thông minh, bên cạnh đó, định hướng là điểm đến giải trí đại chúng hướng tới du khách trung niên Châu Á, đặc biệt là khách Trung Quốc với hoạt động casino và thương mại sôi động, dịch vụ ẩm thực đa dạng, giá cả phải chăng và các hoạt động về đêm phong phú; Trở thành điểm thu hút du lịch đặc biệt trọng điểm của tỉnh và cả nước; đặc biệt là du lịch biển, đảo, nghỉ dưỡng và mậu biên.Xây dựng sản phẩm du lịch đa dạng, đặc sắc có điểm khác biệt, thương hiệu riêng;Phát triển các tuyến điểm du lịch liên vùng, quốc gia và có năng lực, điều kiện liên kết, liên doanh với các hãng lữ hành, các tập đoàn du lịch trong nước và quốc tế.

Song song với đầu tư cơ sở hạ tầng phát triển du lịch phải được tiến hành đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, tránh đầu tư dàn trải, manh mún, nhỏ lẻ, ưu tiên tập trung đầu tư vùng có tài nguyên du lịch hấp dẫn nhưng điều kiện kinh tế – xã hội còn nhiều khó khăn, đảm bảo nâng cao hiệu quả, mang lại lợi ích cho nhà đầu tư, nhà nước, xã hội và bảo vệ tốt môi trường.Tập trung đầu tư, áp dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, sử dụng hiệu quả nguồn lực tài nguyên, lao động, tiết kiệm năng lượng… Tăng cường hợp tác công – tư để tạo điều kiện huy động các nguồn lực; đẩy mạnh công tác xã hội hóa thu hút các thành phần kinh tế, chú trọng đầu tư tư nhân, bảo đảm các lợi ích xã hội, dựa trên nền tảng phát triển bền vững.Chú trọng đầu tư phát triển các dịch vụ hỗ trợ như tài chính, ngân hàng, thương mại, bảo hiểm, bưu chính viễn thông, y tế…

Với các nhóm nhiệm vụ và giải pháp cụ thể, TP Móng Cái cũng đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị, phòng ban chức năng và các xã phường trên địa bàn nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đã đề ra, xây dựng TP Móng Cái là thành phố du lịch xanh, thông minh, thân thiện và an toàn; xây dựng con người Móng Cái văn minh, thân thiện, mến khách; cơ sở kinh doanh thân thiện, tiện lợi và tin cậy để thu hút và chào đón du khách trong nước và khách quốc tế đến với du lịch Móng Cái./.

5/5 - (1 bình chọn)
Exit mobile version