Sun Group rục rịch nhảy vào lĩnh vực hàng không

Ngoài IPP Air Cargo thì nhiều nguồn tin cho rằng Sun Group cũng đang chuẩn bị nhảy vào lĩnh vực hàng không.

Theo Cục Hàng không Việt Nam (HKVN), Cục đã có Công văn số 324/CHK-VTHK thông báo về việc tiếp nhận bộ hồ sơ đề nghị cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không với IPP Air Cargo. Cục HKVN cũng đã báo cáo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) về việc cấp phép bay cho hãng hàng không này.

Sun Group rục rịch nhảy vào lĩnh vực hàng khôngVân Đồn là sân bay tư nhân đầu tiên của Việt Nam được đầu tư theo hình thức BOT

Theo tìm hiểu, ngoài Tập đoàn IPP của ông Johnathan Hạnh Nguyễn còn có một Tập đoàn lớn với 100% vốn trong nước cũng nộp hồ sơ xin cấp giấy phép kinh doanh hàng không. Doanh nghiệp này dự kiến cung cấp dịch vụ các chuyến bay thuê chở khách du lịch hạng sang từ Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Hongkong, Đài Loan tới Việt Nam.

Trước đó, ngày 18/11/2021, Công ty TNHH Sun Air được thành lập do bà Lê Thúy Thanh Bình (SN 1988) làm đại diện pháp luật, vốn điều lệ 100 tỷ đồng. Doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh chính là “Hoạt động dịch vụ hỗ trợ khác liên quan đến vận tải”. Địa chỉ trụ sở: 13 Hai Bà Trưng, phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội và đây cũng chính là tòa nhà Sun City, trụ sở Hà Nội của Tập đoàn Sun Group.

Sun Group là chủ đầu tư của nhiều dự án khu nghỉ dưỡng cao cấp, đặc biệt phải kể đến là chủ đầu tư của dự án sân bay Vân Đồn, (tỉnh Quảng Ninh). Sân bay quốc tế Vân Đồn được xây dựng tại xã Đoàn Kết, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, có diện tích 325 ha, được đầu tư theo hình thức xây dựng – kinh doanh – chuyển giao (BOT) với tổng mức đầu tư khoảng 7.700 tỷ đồng. Đây là một trong những công trình trọng điểm nằm trong quy hoạch phát triển chiến lược kinh tế xã hội của Quảng Ninh. Vì đây là dự án BOT nên thay vì sân bay Vân Đồn trực thuộc sự quản lý của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) thì Sun Group sẽ trực tiếp vận hành, khai thác. Đây cũng là điểm khác biệt của Vân Đồn so với 21 sân bay đang hoạt động trong cả nước.

Sân bay quốc tế Vân Đồn là sân bay đạt cấp 4E (theo mã tiêu chuẩn của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế – ICAO) và sân bay quân sự cấp II – có thể đón các máy bay lớn.

Sân bay dự kiến khai thác các đường bay đến và đi từ các nước Đông Bắc Á (Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan) và Đông Nam Á (Thái Lan, Malaysia, Singapore, Campuchia). Tại thị trường trong nước, chủ đầu tư tập trung vào khu vực miền Trung và miền Nam như Huế, Đà Nẵng, Cam Ranh, Đà Lạt, Phú Quốc.

Nhà ga hành khách giai đoạn một quy mô 25.000 m2, công suất 2,5 triệu lượt hành khách/năm. Trong giai đoạn 2 (2020-2025) và giai đoạn 3 (2025-2030) công suất sẽ nâng lên lần lượt 5 – 10 triệu lượt hành khách/năm. Các công trình như nhà ga hàng hoá, sân đỗ máy bay, đường băng mới… cũng sẽ được xây dựng trong các giai đoạn tiếp theo.

Ngoài việc là chủ đầu tư của dự án sân bay Vân Đồn thì Sun Group cũng đang là ứng cử viên sáng giá cho dự án sân bay Sa Pa với mức đầu tư gần 6.000 tỷ đồng. Nếu được thông qua, dự án này cũng sẽ thực hiện theo hình thức BOT. Như vậy, Sun Group sẽ là doanh nghiệp tư nhân đầu tiên của Việt Nam sở hữu 2 sân bay.

Nguồn: https://chatluongvacuocsong.vn/sun-group-ruc-rich-nhay-vao-linh-vuc-hang-khong-d93083.html

5/5 - (1 bình chọn)
Exit mobile version