Triển khai nạo vét, san lấp mặt bằng phục vụ thi công Dự án Bến cảng tổng hợp Vạn Ninh

Để phục vụ thi công Dự án Bến cảng tổng hợp Vạn Ninh, Công ty cổ phần Cảng Quốc tế Vạn Ninh – chủ đầu tư đang tiến hành tập kết vật tư, máy móc, thiết bị và nhân lực để triển khai hạng mục nạo vét, san lấp mặt bằng (tôn tạo bãi). Thời gian triển khai nạo vét, san lấp bắt đầu từ ngày 18/4/2022.

Triển khai nạo vét, san lấp mặt bằng phục vụ thi công Dự án Bến cảng tổng hợp Vạn NinhPhối cảnh Bến cảng tổng hợp Vạn Ninh. Ảnh: Báo Quảng Ninh

Dự án Bến cảng tổng hợp Vạn Ninh được đầu tư xây dựng trên diện tích 82,79ha, tại xã Vạn Ninh, TP Móng Cái, tổng mức đầu tư giai đoạn 1 trên 2.248 tỷ đồng, do Công ty cổ phần Cảng Quốc tế Vạn Ninh làm chủ đầu tư. Bến cảng được thiết kế hạng mục bến cầu chính dài 500m, có thể đậu đồng thời 2 tàu trọng tải lên đến 20.000 DWT hoặc 3 tàu trọng tải 10.000 DWT và đậu các sà lan ở mặt sau; xây dựng 180m bến sà lan ở phía trong, tiếp giáp bờ; xây dựng 3 cầu dẫn… Riêng khu kho bãi sẽ được đầu tư đồng bộ, trang bị hạ tầng hiện đại đáp ứng tốt nhất yêu cầu làm hàng tổng hợp và container. Ngoài ra, dự án còn có kho CFS, nhà điều hành cảng… Dự án được khởi công từ tháng 10/2021, thời gian đầu tư, xây dựng dự kiến trong 3 năm.

Hiện, chủ đầu tư đang tiến hành tập kết vật tư, máy móc, thiết bị và nhân lực để triển khai thực hiện công tác nạo vét, san lấp mặt bằng phục vụ thi công Dự án Bến cảng tổng hợp Vạn Ninh từ ngày 18/4/2022, dự kiến thời gian thi công nạo vét luồng, bơm cát san lấp đến cao trình +2.0 và thi công Geotube là 120 ngày.

Căn cứ Thiết kế đã được phê duyệt, vị trí thực hiện nạo vét tại khu nước trước bến; Cao độ đáy nạo vét Khu nước bến tàu là – 12,5 m NDL, khu nước cho tàu ra, vào cảng là – 11,5 m NDL; mái dốc nạo vét: m = 3. Tổng khối lượng nạo vét dự kiến là 108.485,28 m3, trong đó: khối lượng nạo vét khu nước bến tàu 20.000 DWT là 39.372,83 m3; Khối lượng nạo vét khu nước bến tàu sà lan liền bờ là 14.348,26 m3; Khối lượng nạo vét khu nước cho tàu ra, vào cảng là 54.764,19 m3. Lý trình nạo vét từ 0+000.0 đến 1+531.09 (chiều dài 1.531.09m). Tổng diện tích nạo vét là 30ha.

Mục tiêu của hạng mục nạo vét là nạo vét tuyến luồng Vạn Gia, tạo chiều sâu trước bến bảo đảm an toàn cho tàu có trọng tải tới 20.000 DWT ra vào cảng trong giai đoạn vận hành; đồng thời vật liệu nạo vét được tận dụng bơm vào ống Geotube để san lấp tạo đập quây và tôn tạo bãi, nhằm phục vụ quá trình thi công Dự án Bến cảng tổng hợp Vạn Ninh.

Chủ đầu tư đang tiến hành tập kết vật tư, máy móc, thiết bị và nhân lực để triển khai thực hiện hạng mục nạo vét, san lấp mặt bằng

Anh Nhữ Văn Khoa, phòng dự án – Công ty cổ phần Cảng Quốc tế Vạn Ninh, cho biết: “Trong quá trình thi công nạo vét, san lấp, chủ đầu tư cam kết đảm bảo thực hiện nghiêm túc Đề án đánh giá tác động môi trường của dự án bến cảng tổng hợp Vạn ninh Giai đoạn 1 (Quyết định phê duyệt số 3629/QĐ-UBND ngày 19/10/2021). Tuân thủ phương án nạo vét, trình tự thi công nạo vét, san lấp tạo mặt bằng theo đúng thiết kế được cơ quan chức năng phê duyệt, đảm bảo các điều kiện về an toàn và vệ sinh môi trường theo quy định”.

Anh Trần Ngọc Tuấn, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Cảng Quốc tế Vạn Ninh, cho biết: “Chủ đầu tư đang khẩn trương lựa chọn nhà thầu thi công công tác đóng cọc để xây dựng cầu Cảng, dự kiến công tác này sẽ được triển khai đầu tháng 5/2022; đồng thời công tác thi công kè sẽ được thi công song song với công tác đóng cọc. Dự kiến đến đầu tháng 7/2022 sẽ thực hiện công tác thi công mặt bến và thi công các công trình phụ trợ, kho bãi và cung cấp, lắp đặt thiết bị. Chủ đầu tư chúng tôi cam kết sẽ tranh thủ thời tiết thuận lợi, tập trung huy động nguồn nhân lực, thiết bị để đẩy nhanh tiến độ triển khai đồng loạt các hạng mục công trình, phấn đấu đưa một phần của Dự án vào khai thác, sử dụng từ tháng 6/2023, phát huy hiệu quả đầu tư”.

Vị trí thực hiện nạo vét tại khu nước trước bến

Khu vực san lấp tạo đập quây và tôn tạo bãi

Dự án Bến cảng tổng hợp Vạn Ninh hoàn thành sẽ góp phần đầu tư hoàn thiện đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng và dịch vụ cảng biển theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, thúc đẩy hoạt động logistics, xuất nhập khẩu, giao thương quốc tế, nhất là giao thương hàng hóa bằng đường biển giữa khu vực ASEAN với Đông Bắc Á; hình thành tuyến vận tải kết nối Móng Cái với các cảng biển lớn trong cả nước và khu vực, mở ra cơ hội hình thành tuyến vận tải biển dài nhất từ trước đến nay từ Móng Cái đến Cà Mau. Đồng thời, hỗ trợ các ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ cùng phát triển, đóng góp tích cực vào tăng trưởng GRDP và thu ngân sách của TP Móng Cái nói riêng, tỉnh Quảng Ninh nói chung; góp phần bảo vệ an ninh quốc phòng, đặc biệt là chủ quyền biển đảo Việt Nam.

5/5 - (1 bình chọn)
Exit mobile version