Mặc dù 2021 là năm biến động của ngành du lịch nước nhà, hàng loạt các chính sách, gói cứu trợ đã được đưa ra nhằm giúp đỡ doanh nghiệp và người lao động. Tuy nhiên, sự hỗ trợ từ phía Nhà nước cũng chỉ hỗ trợ phần nào cho doanh nghiệp trước những thiệt hại nghiêm trọng do đại dịch Covid-19 gây ra. Để có thể phục hồi và phát triển bền vững, doanh nghiệp cần Chính phủ kiến tạo và thiết lập một thị trường ổn định để tái hoạt động kinh doanh ở giai đoạn bình thường mới.
Ở phía ngược lại, bản thân mỗi doanh nghiệp cần có sự thích ứng linh hoạt và chủ động để có thể khắc phục khó khăn, vượt qua những thử thách của đại dịch để “hồi phục”. Bà Trần Nguyện, Trưởng Ban Kinh doanh, Tập đoàn Sun Group đã có buổi trao đổi đầy tâm huyết với Người Đưa tin về thị trường du lịch trong năm qua và hướng đi của Tập đoàn.
Người Đưa tin (NĐT): Năm 2021 là một khoảng thời gian thăng trầm của du lịch Việt Nam, những “nốt trầm” chúng ta đã nhắc đến nhiều, vậy theo bà, năm qua ngành du lịch có những “nốt thăng” nào?
Bà Trần Nguyện, Trưởng Ban Kinh doanh Khối Sun World. (Tập đoàn Sun Group).
Bà Trần Nguyện: Có thể thấy rằng, càng trong khó khăn, thử thách của đại dịch, chúng ta càng thấy rõ bản lĩnh và tinh thần nỗ lực vượt khó của ngành du lịch.
Nếu như trước kia hầu hết các doanh nghiệp, địa phương hoạt động biệt lập, tách biệt thì đại dịch đã khiến ngành du lịch xích lại gần nhau hơn, tạo nên sức mạnh của sự đoàn kết, liên kết giữa các vùng, các doanh nghiệp để tạo ra các hệ sinh thái điểm đến, các trải nghiệm trọn vẹn và chất lượng hơn cho du khách.
Bên cạnh đó, khoảng thời gian qua là cơ hội để ngành du lịch và các đơn vị cung cấp sản phẩm du lịch nhìn lại, tái cơ cấu sản phẩm, đầu tư mới, làm mới sản phẩm để tạo ra sự hấp dẫn thu hút khách hàng đến và quay lại điểm đến nhiều lần, trải nghiệm trọn vẹn và nhiều hơn.
Nhìn ở khía cạnh tích cực thì đây chính là hai “nốt thăng” đáng kể trong năm qua, có thể giúp ngành du lịch tạo nên sức bật để nhanh chóng hồi phục và bứt phá trong giai đoạn bình thường mới.
NĐT: Theo bà, ngành du lịch Việt Nam cần tái định vị như thế nào trong thời gian tới, nhất là khi chúng ta vẫn sẽ phải “sống chung” với dịch bệnh?
Bà Trần Nguyện: Tháng 3/2021, Mc Kensey & Company đã nêu ra 6 biện pháp để kích hoạt phục hồi ngành du lịch Việt Nam, đó là: chú trọng nhu cầu du khách trong nước, cân nhắc mô hình giá mới để phục hồi nhu cầu, áp dụng công nghệ số, tạo dựng nền tảng cho nhu cầu của khách nước ngoài đến Việt Nam, bổ sung trải nghiệm cho khách và xác định lại vai trò của nhà nước trong hoạt động du lịch.
Theo tôi, cho dù đây là các biện pháp áp dụng với tình trạng không ca nhiễm, song ngay cả trong bối cảnh bình thường mới hiện nay, các biện pháp này vẫn giữ nguyên giá trị của nó.
Bởi lẽ, hiện nay lượng khách quốc tế đến Việt Nam vẫn bị hạn chế nên cần chú trọng thị trường trong nước. Điều này đã được chứng minh bằng thực tế hai năm qua thị trường khách nội địa đã trở thành “xương sống” giúp du lịch Việt Nam đứng vững qua “cơn bão” Covid-19.
Chúng ta cần cân nhắc đến mô hình giá mới để phục hồi nhu cầu. Trong bối cảnh nhu cầu cạn kiệt thì giảm giá là ‘con dao hai lưỡi”. Vì thế, Mc Kensey cho rằng, doanh nghiệp có thể tìm cách khác như bán sản phẩm theo gói để có cơ hội bán chéo và bán thêm; xem xét lại mô hình giá linh hoạt và chức năng quản lý doanh thu. Tôi cho rằng, trong giai đoạn tới, du lịch Việt Nam nên ưu tiên xây dựng những chuỗi sản phẩm cao cấp và trọn gói để hướng tới thị trường khách hạng sang, đồng thời phù hợp với nhu cầu, thị hiếu mới của du khách là đề cao tính an toàn, biệt lập và những trải nghiệm “đa trong một”.
Bên cạnh đó không thể không nhắc đến việc áp dụng công nghệ số. Những giải pháp và chính sách cho phép khách hàng có sự lựa chọn và kiểm soát lịch trình của mình sẽ giúp xây dựng niềm tin lâu dài.
Về phía khách nước ngoài, chúng ta cần tạo dựng nền tảng cho nhu cầu của du khách nước ngoài đến Việt Nam. Điều này đòi hỏi các công ty lữ hành sẽ cần phải linh hoạt và nhanh nhạy để có thể sớm nắm bắt được nhu cầu du lịch quốc tế, và có sự chuẩn bị để đáp ứng những quy định nghiêm ngặt của cả Việt Nam và điểm đến về y tế và an toàn.
Ở giai đoạn này, các doanh nghiệp, khu du lịch, điểm tham quan cần tận dụng cơ hội để “làm mới”, bổ sung những trải nghiệm mới cho du khách, không chỉ dừng lại ở cơ sở lưu trú, và cần đầu tư cho du lịch hướng tới những điểm đến đa dạng, phi truyền thống.
Ngoài ra, việc xác định lại vai trò của nhà nước trong hoạt động du lịch cũng hết sức quan trọng. Vai trò của các cơ quan nhà nước là vô cùng to lớn, trong việc thúc đẩy nhu cầu trong nước để bù đắp cho thu nhập bị mất từ du khách quốc tế, và sau đó là quảng bá hình ảnh của Việt Nam.
NĐT: Xin bà chia sẻ về tình hình hoạt động kinh doanh của Sun Group năm vừa qua? Sun Group đã đối mặt với những khó khăn do đại dịch gây ra như thế nào ?
Bà Trần Nguyện: Sun Group, với lĩnh vực đầu tư chính là du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí năm qua đã chứng kiến những sụt giảm chưa từng có về doanh thu. Chỉ riêng Bà Nà Hills- được coi là “cánh chim đầu đàn” của Sun Group, doanh thu hai năm qua so với 2019 giảm tới 96%.
Các hoạt động kinh doanh tại hệ thống khách sạn, resort, khu vui chơi, sân bay, cảng biển… của chúng tôi gần như đóng băng. Hàng loạt công trình, dự án chậm tiến độ.
Trên toàn tập đoàn, chưa kể các chi phí duy tu bảo dưỡng các trò chơi, cáp treo… tại các khu vui chơi hay các loại thuế phí thuê đất, trả tiền lãi vay ngân hàng, trả tiền thuê đất/văn phòng, trả tiền điện, nước, chi phí đảm bảo phòng dịch tại sân bay cảng biển… chỉ việc đảm bảo đời sống cho 11.000 cán bộ nhân viên cũng đã là một thách thức quá lớn với chúng tôi.
Tuy nhiên, trong nguy có cơ, Covid-19 cũng là cơ hội để chúng tôi làm mới mình, bảo trì, bảo dưỡng các khu, điểm đến, phủ áo mới, tái đầu tư sản phẩm liên tục.
Có thể tự hào nói rằng rất hiếm khu du lịch, khách sạn, resort nào có được sức sống mới ngay trong đại dịch và có thể ngay lập tức mở cửa trở lại đón khách bất kể lúc nào khi được phép như các điểm đến của Sun Group.
NĐT: Sản phẩm du lịch hậu Covid-19 mà Sun Group hướng tới là gì ? Bà có đánh giá thế nào về xu hướng phát triển “du lịch không tiếp xúc”?
Bà Trần Nguyện: Năm 2021, chúng tôi đưa vào vận hành Khu nghỉ dưỡng suối khoáng nóng Yoko Onsen Quang Hanh tại Quảng Ninh ngay trong thời điểm dịch, và sản phẩm này nhanh chóng thu hút sự quan tâm của du khách bốn phương. Điều này đã cho thấy, những sản phẩm du lịch đáp ứng trúng nhu cầu, thị hiếu mới của du khách chắc chắn sẽ được ưa chuộng.
Nắm bắt được tinh thần đó, chúng tôi định hướng trong tương lai sẽ tiếp tục đầu tư cho các sản phẩm cao cấp dẫn dắt xu thế, đặc biệt gắn với sức khỏe, gần gũi thiên nhiên, văn hóa và gia tăng trải nghiệm trọn vẹn. Đó là lý do Sun Group vẫn đã và đang không ngừng hoàn thiện hệ sinh thái 3S, gồm: vui chơi giải trí (Sun World), nghỉ dưỡng (Sun Hospitality) và bất động sản cao cấp (Sun Property) ở cả ba miền đất nước.
Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc thì “du lịch không tiếp xúc” hoặc “hạn chế tiếp xúc” là xu hướng tất yếu – Chúng tôi gọi đó là Hành trình Chạm thông minh. Tất cả các nghiên cứu, đánh giá nhu cầu, thị hiếu của du khách trong giai đoạn dịch đều cho thấy du khách toàn cầu đều hướng đến những điểm đến và loại hình du lịch an toàn. Do đó việc ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số vào hành trình này sẽ nâng cao trải nghiệm và cảm xúc của khách hàng.
Về phía Sun Group, ngay từ khi đại dịch chưa diễn ra, chúng tôi đã tiến hành thúc đẩy chuyển đổi số để góp phần nâng cao hiệu suất lao động và trải nghiệm của khách hàng.
Vì vậy, từ năm 2021, các khách sạn, resort của Sun Group đã thay đổi phương thức thu thập, quản trị và tiếp cận khách hàng, tạo tiền đề bắt kịp xu hướng. Tiêu biểu nhất là việc hoàn thiện hệ thống quản trị khách hàng tập trung trên toàn tập đoàn. Dù khách hàng liên hệ bằng kênh nào như Facebook, Zalo, Website, truy cập vào wifi tại khách sạn, gọi điện thoại đến tổng đài của khách sạn… nhân viên cũng dễ dàng nắm bắt được toàn bộ thông tin, các lưu ý của các lần liên hệ/ sử dụng dịch vụ trước đây của khách tại bất kì khách sạn nào thuộc khối, để định hướng, chăm sóc tốt nhất.
Hệ thống này cũng giúp khối khách sạn quản trị được mọi giao tiếp với khách hàng ở kênh phi tiếp xúc, cụ thể mọi email, SMS, chương trình marketing tới khách hàng sẽ được quản lý cẩn thận để đảm bảo mọi thông tin là đồng nhất, ở mức vừa phải không làm phiền khách hàng khi trải nghiệm.
Bên cạnh đó, các ứng dụng dịch vụ không chạm hay một chạm, giảm thiểu tối đa thủ tục có tiếp xúc của khách hàng khi đặt phòng và dịch vụ đã và đang được tiên phong thử nghiệm tại hệ thống khách sạn, resort của Sun Group như JW Marriott Phu Quoc Emerald Bay, New World Phu Quoc Resort, Capella Hanoi…, dự kiến sẽ được hoàn thiện và đi vào vận hành trong năm 2022.
NĐT: Theo bà, bước sang năm 2022 các doanh nghiệp du lịch sẽ phải thích ứng thế nào trong giai đoạn bình thường mới?
Bà Trần Nguyện: Để thích ứng với cái mới, doanh nghiệp cần xoay chuyển linh hoạt về định hướng chiến lược hoạt động kinh doanh trên nguyên tắc giữ nguyên giá trị cốt lõi và văn hóa doanh nghiệp. Tuy nhiên, phương thức thực thi các chiến lược đó cần phù hợp với tình hình thực tế, mức độ và chiều hướng tác động của dịch bệnh đến hoạt động kinh doanh, vận hành của doanh nghiệp trong từng thời kỳ.
Nhà kinh doanh cũng cần tập trung quản lý dòng tiền và khả năng thanh khoản. Việc này sẽ đảm bảo doanh nghiệp có thể trụ vững hay không trong tình trạng dịch bệnh còn kéo dài như hiện nay.
Bên cạnh đó, cần cân nhắc kĩ các kế hoạch mua sắm, mở rộng thị trường hay đầu tư, lựa chọn các giải pháp thay thế song song với đẩy mạnh tiết kiệm, cắt giảm các khoản chi tiêu không cần thiết và theo dõi chặt chẽ công nợ.
Ngoài ra, lực lượng lao động là yếu tố mang tính then chốt cho sự phục hồi và phát triển của mỗi doanh nghiệp. Do vậy, các doanh nghiệp cần xây dựng cho mình một chiến lược nhân sự đúng đắn, phù hợp với năng lực của doanh nghiệp, tập trung phát triển nhân sự chất lượng cao thay vì số lượng để tạo ra sức bật và lợi thế riêng trong bối cảnh đầy biến động hiện tại.
Và quan trọng nhất là việc không ngừng linh hoạt, sáng tạo, nâng cao chất lượng dịch và làm mới các sản phẩm của Doanh nghiệp trong nghành DL, DV để có thể bắt kịp và đón đầu được xu hướng và nhu cầu của KH sau đại dịch. Từ đó sẽ là nền tảng để các DN hồi sinh, bứt phá trở lại trong giai đoạn bình thường mới.
NĐT: Cảm ơn sự chia sẻ của bà !