Với bản Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng vừa được UBND TP Hà Nội phê duyệt, nhiều chuyên gia, nhà quản lý nhìn nhận đây sẽ là bước đột phá diện mạo mới cho Thủ đô Hà Nội trong tương lai không xa.
Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn
Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn: Cơ bản phủ kín 100% quy hoạch phân khu đô thị trên địa bàn
Trong những năm qua, công tác quy hoạch và phát triển đô thị luôn được Thành ủy, HĐND, UBND TP quan tâm chỉ đạo, thông qua việc hoàn thiện các quy định pháp luật, cơ chế chính sách; xây dựng chiến lược, kế hoạch tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt các quy hoạch theo thứ tự, tầng bậc, bố trí nguồn vốn đầu tư công để xây dựng hạ tầng khung làm cơ sở thu hút các nhà đầu tư, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.
Với việc phê duyệt Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, sông Đuống, TP đã hoàn thành phủ kín 100% quy hoạch phân khu đô thị trên địa bàn. Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, sông Đuống được duyệt sẽ là cơ sở pháp lý để lập quy hoạch chi tiết, lập dự án đầu tư xây dựng và quản lý xây dựng theo quy hoạch trên địa bàn; góp phần cải thiện điều kiện sống của người dân theo hướng văn minh, hiện đại và phát triển bền vững.
Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam KTS Phạm Thanh Tùng
Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam KTS Phạm Thanh Tùng: Cần phải tính toán để có nguồn lực phát triển
Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng được phê duyệt không chỉ đáp ứng nguyện vọng của hàng chục vạn cư dân đang sinh sống tại vùng bãi sông Hồng mà còn là mong mỏi của toàn thể Nhân dân Thủ đô. Quy hoạch phân khu này hoàn thành sẽ góp phần đẩy nhanh quá trình điều chỉnh quy chung xây dựng Thủ đô mà TP đang thực hiện nhằm sớm đưa Thủ đô phát triển đồng bộ, văn minh, hiện đại, bền vững. Nhất là trong bối cảnh nhiều quận trung tâm không còn quỹ đất để phát triển nhằm phục vụ an sinh xã hội.
Như gần đây quận Hoàn Kiếm có chủ trương cải tạo, phát triển khu đất bãi bồi, bãi giữa sông Hồng thành công viên văn hoá, du lịch… Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng được ban hành sẽ là căn cứ pháp lý giúp quận thực hiện ý tưởng trên cơ sở khớp nối đồng bộ với quy hạch chung của TP. Do vậy, có thể coi đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng vừa được phê duyệt, góp phần thực hiện tổng thể quy hoạch sông Hồng, tránh tình trạng “cát cứ” của mỗi đơn vị, địa phương trong khai thác tiềm năng của dòng sông.
Khi quy hoạch được phê duyệt thì sẽ không chỉ có riêng quận Hoàn Kiếm thực hiện chủ trương cải tạo khu vực bãi giữa, bãi bồi mà cả TP sẽ thực hiện theo quy hoạch được duyệt trên suốt hơn 40km chiều dài đoạn sông Hồng chảy qua địa phận nội đô. Qua đó giải quyết đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng, giao thông khu vực này gắn kết với hệ thống giao thông đô thị của TP, giao thông thủy với các cây cầu qua sông Hồng, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển và thực hiện dự án, góp phần thay đổi diện mạo kiến trúc hai bờ sông Hồng theo hướng văn minh, hiện đại và có bản sắc.
Sau khi Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng được duyệt, bước tiếp theo Hà Nội cần phải tính toán để có được nguồn lực phát triển. Dựa trên định hướng từ Quy hoạch, các nhà quản lý đô thị, quy hoạch Hà Nội cần tìm lời giải tốt nhất để thực hiện. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng phải chuẩn bị các cơ chế chính sách thu hút nguồn lực đầu tư để giải quyết thách thức hiện nay là tạo dựng môi trường sống tốt cho hàng chục vạn người dân đang sinh sống ngoài khu vực đất bãi vốn mấy chục năm qua phải sống trong tình trạng tạm bợ, không có giấy phép, hạ tầng thiếu thốn, kém phát triển.
Ngoài ra, khi GPMB, Hà Nội rất cần tạo quỹ đất để đấu thầu, tạo nguồn lực tái thiết, đầu tư xây dựng các khu vực theo quy hoạch, tránh tình trạng các dự án “đắp chiếu”, gây lãng phí nguồn lực, mất niềm tin của Nhân dân.
Giám đốc Sở QH – KT Hà Nội Nguyễn Trúc Anh
Giám đốc Sở QH – KT Hà Nội Nguyễn Trúc Anh: Cơ hội lớn để phát triển Thủ đô theo hướng đô thị xanh, văn minh, hiện đại
Khác biệt với các đồ án quy hoạch phân khu đô thị khác, không gian nghiên cứu đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5000 (đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở) thuộc không gian dành cho thoát lũ ngoài đê sông Hồng, có quy mô và tính chất phức tạp với nhiều yếu tố đan xen, liên quan đến nhiều cấp ngành, tổng hợp của nhiều tầng bậc, loại hình quy hoạch đều đang trong quá trình triển khai chưa được phê duyệt.
Cụ thể như: Quy hoạch vùng; Quy hoạch TP Hà Nội thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch phòng chống lũ; Quy hoạch đê điều; Quy hoạch giao thông; Quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành… theo Luật Quy hoạch năm 2017.
Với quyết tâm không để lãng phí các nguồn lực, Hà Nội đã nỗ lực rất lớn để hoàn thiện việc lập, phê duyệt Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng. Trong quá trình triển khai đồ án đã luôn tuân thủ ý kiến chỉ đạo của các cấp, phù hợp với các giai đoạn quy hoạch và sự vào cuộc của bộ, ngành có liên quan. Quy hoạch được duyệt sẽ là cơ hội rất lớn để phát triển Thủ đô theo hướng đô thị xanh, văn minh, hiện đại và giải quyết vấn đề sinh kế cho người dân sống hai bên sông. Từ đây, Hà Nội đã có đủ căn cứ pháp lý để sớm hiện thực hóa khát vọng xây dựng TP hai bên sông Hồng.
Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long
Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long: Cơ hội khai thác, phát huy giá trị cảnh quan mặt nước, cây xanh
Quận Hoàn Kiếm có hai phường nằm phía ngoài đê sông Hồng là Chương Dương và Phúc Tân với diện tích rộng 173ha, dân số 28.000 người. Đây là hai phường có quỹ đất rộng và đông dân nhất quận nhưng hạ tầng lại đang rất xuống cấp, nhất là các tuyến giao thông chủ yếu là đường ngang, ngõ hẹp. Do đó, TP phê duyệt Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng sẽ là cơ sở thuận lợi để quận Hoàn Kiếm tiếp tục nghiên cứu thực hiện tái thiết bộ mặt đô thị, nâng cao điều kiện sống cho người dân khu vực ngoài bãi sông Hồng thuộc địa bàn quận.
Đồng thời, đây cũng là cơ hội khai thác, phát huy giá trị cảnh quan mặt nước, cây xanh của sông Hồng tại quận Hoàn Kiếm. Quận sẽ cùng với đơn vị tư vấn tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng, phát triển khu vực bãi giữa, bãi bồi ven sông Hồng thành công viên văn hóa và du lịch và báo cáo TP để lồng ghép đảm bảo phù hợp với quy hoạch phân khu mà TP vừa phê duyệt.