Nhiều nhà đầu tư ở các lĩnh vực nhà ở, nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp xây dựng… cam kết đầu tư vào Hóc Môn, Củ Chi. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc lưu ý, khi phát triển hai huyện này, cần phải đặt lợi ích của người dân vào trung tâm.
Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào huyện Hóc Môn và huyện Củ Chi năm 2022 diễn ra chiều 12/4 tại TP.HCM, đã có 10 giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn 369,104 triệu USD và 39 biên bản ghi nhớ thỏa thuận đầu tư với tổng vốn khoảng 16,572 tỷ USD đã được ký kết đầu tư vào hai huyện Hóc Môn và Củ Chi.
Nhiều tập đoàn lớn cam kết đầu tư vào Củ Chi, Hóc Môn
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo – Chủ tịch kiêm tổng giám đốc Tập đoàn Sovico, cho biết Hóc Môn, Củ Chi nằm ở cửa ngõ phía Tây Bắc của TP.HCM, gắn liền địa danh lịch sử Địa đạo Củ Chi, 18 thôn Vườn Trầu, Khu dịch tích Ngã Ba Giồng… Hơn 1 triệu người dân đang từng bước chuyển mình vào nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất công nghiệp, đô thị sinh thái thông minh.
Theo bà Thảo, Sovico quan tâm các chương trình đầu tư, phát triển kinh tế bên cạnh chăm lo phúc lợi người dân về nhà ở, sức khỏe tại hai huyện Củ Chi, Hóc Môn. Bà đề xuất xây dựng Củ Chi, Hóc Môn thành một trong những điểm đến thu hút tại TP.HCM, với mô hình du lịch cộng đồng.
Nhiều nhà đầu tư ở các lĩnh vực nhà ở, nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp xây dựng… cam kết đầu tư vào Hóc Môn, Củ Chi. Ảnh: L.S
Tập đoàn Sovico cũng đã ký kết biên bản ghi nhớ thỏa thuận một số dự án với hai huyện Củ Chi và Hóc Môn. Bà Thảo cam kết doanh nghiệp thực hiện khẩn trương, nghiêm túc. “Ngay trong năm nay có thể khởi động một số dự án, sớm đóng góp ngân sách địa phương”, Chủ tịch Sovico cho biết.
Ông Lee Chong Min – Chủ tịch Quỹ đầu CMIA Capital Partner thông tin về dự án “Đô thị sinh thái Nông nghiệp Thực phẩm Công nghệ cao” tại xã Trung An, huyện Củ Chi. Đây là dự án đã được đơn vị nghiên cứu khảo sát từ năm 2018 với diện tích gần 1.020ha.
Ông tin rằng với kinh nghiệm và tiềm lực của mình, dự án này sẽ mang lại động lực phát triển cho Củ Chi và là dự án khởi đầu cho đô thị nông nghiệp sinh thái công nghệ cao ở Việt Nam. Dù vậy, đây là dự án lâu dài, việc hoàn vốn chỉ đạt được sau năm thứ bảy trở đi, với điều kiện dự án không chậm trễ. Vì vậy, doanh nghiệp cần được hỗ trợ công tác đền bù, tái định cư.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo TP.HCM chứng kiến thỏa thuận đăng ký đầu tư và biên bản ghi nhớ thỏa thuận đầu tư cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư chiều 12/4. Ảnh: Hồng Phúc
Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Phát triển đô thị TDH Ecoland – ông Nguyễn Công Hồng, đã đề xuất phương án điều chỉnh quy hoạch của khu vực bãi chôn lắp rác Đông Thạnh.
Ông Hồng cam kết lập đề xuất dự án đầu tư, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án “Đầu tư xây dựng khu đô thị sinh thái Đông Thạnh”. Ông cam kết thêm là trong thời gian 3 năm sẽ hoàn thành toàn bộ dự án, bao gồm cả việc xử lý triệt để bãi chôn lấp rác và đầu tư hoàn thiện dự án.
Phải đặt lợi ích của người dân vào trung tâm
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết, việc tăng cường đầu tư vào hai huyện Củ Chi và Hóc Môn, sẽ giúp TP.HCM giải được bài toán mở rộng không gian, phát triển một cách cân bằng, thu hút mạnh mẽ hơn các nguồn lực phát triển đặc biệt là về kinh tế đô thị, du lịch, dịch vụ, công nghệ cao… “khi chiếc áo hiện hữu của Thành phố đã trở nên quá chật chội”.
Các nhà đầu tư tham gia ký kết đầu tư hoặc các biên bản ghi nhớ thỏa thuận đều là nhà đầu tư có năng lực, có khả năng tài chính và tâm huyết với TP.HCM. Đặc biệt, các nhà đầu tư mong muốn thực hiện tại hai huyện Củ Chi, Hóc Môn thuộc nhiều lĩnh vực như như công nghiệp, du lịch, sinh thái môi trường, nhà ở xã hội… chứ không chỉ tập trung vào bất động sản.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với các nhà đầu tư tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào huyện Hóc Môn và huyện Củ Chi năm 2022 diễn ra chiều 12/4. Ảnh: Hồng Phúc
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc lưu ý mọi lời cam kết của doanh nghiệp về việc đầu tư tại Củ Chi và Hóc Môn phải đi đôi với việc làm.
“Nhà đầu tư có mặt hôm nay phải thực hiện đúng cam kết, khẳng định uy tín, sớm triển khai dự án và nói không với tiêu cực tham nhũng. Ký nhiều nhưng không phải ký rồi để đó. TP.HCM theo dõi, nếu không, trước Quốc hội báo cáo những đơn vị nào ký không thưc hiện, phải quyết tâm sau cuộc họp”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nói.
Kêu gọi đầu tư vào hai huyện Hóc Môn và Củ Chi, Chủ tịch nước đặc biệt nhấn mạnh nguyên tắc xuyên suốt là phải đặt lợi ích của người dân vào trung tâm, với các điều kiện sống tốt hơn như có nhà ở cho người nghèo, việc làm, trường học, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Ngược lại, ông đề nghị các bộ, ngành, TP.HCM quan tâm phát triển hệ thống giao thông đường bộ, đường cao tốc, đường thủy, đường sắt đô thị trên địa bàn; cải thiện mạnh mẽ và thực chất môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, TP.HCM sẽ cập nhật vào quy hoạch chiến lược phát triển TP, trước hết là cập nhật vào quy hoạch chung, quy hoạch tích hợp phát triển khu Tây Bắc.
Như chỉ đạo của Chủ tịch nước, TP.HCM sẽ mở rộng không gian phát triển, quy hoạch hạ tầng giao thông. Về các giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và biên bản ghi nhớ thỏa thuận đầu tư, UBND TP.HCM sẽ chỉ đạo các sở, ngành phối hợp để các nhà đầu tư sớm triển khai các dự án.