Làn sóng đầu tư vào Phú Quốc bắt đầu từ năm 2014 – khoảng một năm sau khi nơi đây có sân bay quốc tế. Vingroup và Sun Group hiện là hai nhà đầu tư đáng chú ý tại đảo ngọc với tổng số vốn đã rót vào khoảng 3 tỷ USD.Phú Quốc thay đổi nhiều sau khi có sân bay quốc tế. (Đồ họa: Justin Bùi).
Kể từ cuối 2012 sau khi có sân bay quốc tế, Phú Quốc đã thay đổi rất nhiều. Gần như mỗi năm đều có ít nhất một dự án quy mô lớn được triển khai. Với những khoản đầu tư lớn, đặc biệt ở lĩnh vực bất động sản, đảo ngọc giờ đây gắn liền với những tên tuổi tập đoàn danh tiếng của Việt Nam, như Vingroup, Sun Group.
Mới nhất, Tập đoàn TTC thông báo đầu tư 30.000 tỷ đồng cho siêu dự án Selavia Phú Quốc. Tân Hoàng Minh cũng vừa khởi công Tổ hợp quẩn thể du lịch, giải trí với tổng đầu tư hơn 24.000 tỷ đồng tại Phú Quốc. Dự án nằm tại vị trí đắc địa, chỉ cách sân bay quốc tế Phú Quốc 10 km, cách thị trấn Dương Đông 15 km.
Năm 2021 là năm kinh tế Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng vì dịch COVID-19, nhưng ở Phú Quốc, dự án tổ hợp căn hộ cao tầng đầu tiên Sun Grand City Hillside Residence của Sun Group vẫn được khởi công, dự kiến bàn giao vào quý II năm nay.
Tập đoàn Vingroup cũng đưa vào vận hành khai thác tổ hợp vui chơi, giải trí và mua sắm Grand World Phú Quốc với quy mô 85 ha, tổng mức đầu tư 7.500 tỷ đồng, thuộc quần thể Phú Quốc United Center.
Cuối tháng 11/2021, thêm tin vui cho Phú Quốc khi Phó thủ tướng Lê Minh Khái giao Bộ Kế hoạch và đầu tư phối hợp với các bộ rà soát cơ chế phát triển thành phố Phú Quốc hiện tại, nghiên cứu xây dựng đề án thí điểm một số cơ chế đặc thù cho thành phố Phú Quốc.
Khép lại năm 2021, Phú Quốc lần nữa gây chú ý khi được Thaiholdings chọn đề xuất làm nơi xây cảng vũ trụ tỷ USD.
Về đầu tư hạ tầng giao thông, giai đoạn 2021 – 2025, thành phố có kế hoạch triển khai một số dự án như nâng cấp, mở rộng đường Dương Đông – Cửa Cạn – Gành Dầu và xây dựng mới nhánh nối với đường trục Nam – Bắc gần 920 tỷ đồng; dự án đường trung tâm đoạn 3 và các đường nhánh khu vực Bãi Trường 1.312 tỷ đồng. Ngoài ra Phú Quốc cũng sẽ tiến hành cải tạo nâng cấp cầu Hùng Vương với mức đầu tư 50 tỷ đồng.
Sau khi có sân bay Phú Quốc, gần như mỗi năm Phú Quốc đều có ít nhất một dự án lớn khởi công. (Đồ họa: Alex Chu).
Nói qua về sân bay Phú Quốc, dự án được khởi công ngày 23/11/2008, có diện tích trên 900 ha, tổng vốn đầu tư hơn 16.200 tỷ đồng và được đầu tư theo các giai đoạn.
4 năm sau, tháng 12/2012, sân bay Phú Quốc chính thức đi vào hoạt động, mở ra một chương mới cho Phú Quốc. Bên cạnh đó, trong năm 2014, với dự án cáp điện ngầm xuyên biển Hà Tiên – Phú Quốc dài 55,8 km đi vào vận hành, Phú Quốc chính thức hòa lưới điện quốc gia, làm giảm đáng kể chi phí xây dựng, chi phí vận hành, chi phí sinh hoạt của người dân trên đảo.
Từ dấu mốc có sân bay, Phú Quốc có nhiều thay đổi và phát triển liên tục trong các năm sau đó. Điều này thể hiện ở số lượng khách quốc tế tăng cao dần đều qua các năm trước COVID-19, kéo theo đó là làn sóng đầu tư từ các tập đoàn lớn như Sun Group, Vingroup, BIM Group, CEO Group,…
Vào thời điểm năm 2012, Phú Quốc chỉ đón khoảng hơn 300.000 lượt khách du lịch, hiện con số cả năm này chỉ bằng lượng khách của một tháng. Trong giai đoạn 5 năm từ 2015-2019, tốc độ tăng trưởng du lịch Phú Quốc tăng trưởng gấp 10 lần, từ con số chưa đến 1 triệu lượt khách lên tới hơn 5 triệu lượt khách.
Tính riêng trong năm 2020, lượng du khách tới Phú Quốc giảm xuống còn gần 3,6 triệu lượt khách, song đây vẫn là con số ấn tượng trong một năm đầy biến động của ngành du lịch.
Theo Quyết định do Thủ tướng phê duyệt ngày 11/5/2010 về Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2030, dự báo đến 2030, Phú Quốc đón khoảng 5-7 triệu lượt khách/năm. Nhưng thực tế, con số 5 triệu lượt khách này Phú Quốc đã cán mốc từ cuối năm 2019.
Thống kê cho thấy, giai đoạn 2010-2019, lượt du khách và doanh thu từ du lịch của Phú Quốc tăng trung bình 20-30%. Ngành du lịch – dịch vụ đóng góp 70% trong cơ cấu GRDP của Phú Quốc, mang lại việc làm cho khoảng 70% dân số trên đảo. Tốc độ tăng trưởng GRDP hằng năm của Phú Quốc luôn đạt trên 38%, cao gấp 6 lần mức bình quân chung của cả nước.
Phú Quốc dự kiến làm một số dự án giao thông giai đoạn 5 năm tới. (Ảnh: Người lao động).
Vingroup, Sun Group đã đầu tư khoảng 3 tỷ USD vào Phú Quốc
Theo số liệu thống kê, đến nay Phú Quốc đã thu hút 372 dự án đầu tư, với tổng vốn đăng ký khoảng 16,5 tỷ USD, trong đó, Tập đoàn Vingroup hiện đang là nhà đầu tư lớn nhất với tổng số vốn đầu tư đã giải ngân hơn 2 tỷ USD.
Năm 2014, Vingroup bắt đầu khởi công một số dự án trong siêu quần thể Phú Quốc United Center tổng diện tích 1.044 ha, tổng mức đầu tư 66.000 tỷ đồng, tại khu vực bãi Dài.
Quần thể này bao gồm các thương hiệu khách sạn từ nhỏ đến 5 sao như Vinpearl, VinOasis, VinHoliday, Radison Blue…; Công viên chủ đề lớn nhất Việt Nam VinWonders Phú Quốc; Vinpearl Safari; Sân gofl 18 hố Vinpearl Golf; Corona Casino 5 sao, Thành phố mua sắm giải trí không ngủ Grand World; Bệnh viện Vinmec,…
Đồ họa: Alex Chu.
Nếu như phía Bắc đảo nhận dòng vốn lớn từ Vingroup thì khu vực Nam đảo lại là nơi ghi dấu ấn với loạt công trình của Tập đoàn Sun Group với tổng quy mô hơn 246 ha. Đến nay, Sun Group đã rót khoảng 20.000 tỷ đồng vào Phú Quốc.
Dự án ghi dấu ấn đầu tiên của Sun Group tại đảo ngọc phải kế đến khu nghỉ dưỡng JW Marriott Phú Quốc Emerald Bay diện tích 9,5 ha. Dự án được khởi công xây dựng từ năm 2015 với tổng vốn đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng, được đưa vào hoạt động từ tháng 12/2016.
Những năm tháng tiếp theo, tập đoàn này tiếp tục gia tăng sở hữu quỹ đất tại Phú Quốc với việc đầu tư hàng loạt các dự án bất động sản nghỉ dưỡng mới có quy mô mỗi dự án lên tới vài ha.
Những sản phẩm du lịch của Sun Group đáng chú ý khác còn phải kể đến Cáp treo Hòn Thơm được khởi công từ tháng 9/2015 và khánh thành tháng 2/2018, công viên nước Aquatopia tại Sun World khai trương 2019, Sun Premier Village Primavera (Shophouse Địa Trung Hải) khởi công 2018 và mở cửa hoạt động 2019,…
Tỉnh Kiên Giang đặt mục tiêu xây dựng TP Phú Quốc đạt đô thị loại I vào năm 2025. (Ảnh: Báo Tài nguyên & Môi trường).
Không nằm ngoài làn sóng đầu tư vào Phú Quốc, CEO Group trong những năm qua cũng đã dồn lực đầu tư với các dự án có tổng quy mô lên đến 452 ha. Dự án lớn đầu tiên là Khu tổ hợp du lịch Sonasea Villas & Resort được khởi công vào tháng 9/2014 và hoạt động vào năm 2019. Dự án có quy mô 132 ha, tổng mức đầu tư khoảng 10.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, CEO Group cũng nắm trong tay hai dự án quy mô khủng khác là Khu biệt thự cao cấp Sonasea Residences khởi công 2016 và bàn giao năm 2019 (170 ha có tổng mức đầu tư dự kiến 12.600 tỷ đồng) và Dự án Sonasea Golf Estates (150 ha có tổng mức đầu tư dự kiến 3.000 tỷ đồng).
Trong khi đó, BIM Group đến nay đã rót khoảng 20.000 tỷ đồng vào dự án khu phức hợp Phú Quốc Marina quy mô 155 ha.